I/. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước là gì?
Giấy phép xả nước thải là một loại giấy phép tài nguyên nước do nhà nước cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở nuôi trồng thủy sản trước khi đi vào hoạt động. Nội dung giấy phép là các yêu cầu về việc xả nước thải nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cụ thể theo quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất; mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải có những nội dung chính sau:
- Nguồn nước tiếp nhận nước thải: giấy phép chỉ rõ tên, vị trí hành chính (thôn, ấp/tổ, khu phố; xã/phường, thị trấn; huyện/quận, thị xã, thành phố; tỉnh/thành phố) của sông, suối, kênh, rạch, vùng biển, hồ, đầm, ao nơi nước thải của cơ sở được cấp phép được phép xả vào.
- Vị trí xả nước thải: giấy phép nêu rõ vị trí hành chính và vị trí địa lý xả nước thải (tọa độ vị trí xả nước thải theo hệ tọa độ VN 2000).
- Phương thức xả nước thải: giấy phép yêu cầu cơ sở được cấp phép phải xả thải vào hệ thống dẫn nước thải sau khi đã xử lý cụ thể đến vị trí xả vào nguồn nước và phương thức xả tại vị trí xả nước thải vào nguồn nước (là bơm hay tự chảy, xả ngầm, xả mặt, xả ven bờ, xả giữa dòng…).
- Chế độ xả nước thải: Giấy phép quy định cơ sở được xả nước thải liên tục (24h/ngày đêm) hay gián đoạn; chu kỳ xả, thời gian xả trong một chu kỳ; xả theo mùa vụ sản xuất hay theo các thời điểm trong ngày.
- Lưu lượng xả nước thải lớn nhất: giấy phép giới hạn quy mô xả tối đa của cơ sở được cấp phép trong 1 ngày đêm và 1 giờ.
- Chất lượng nước thải: Giấy phép ghi rõ Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải phải đạt, hệ số áp dụng; giới hạn các thông số và nồng độ chất ô nhiễm chính có trong nước thải trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận.
- Thực hiện quan trắc nước thải và nước nguồn tiếp nhận: giấy phép ghi rõ nội dung quan trắc mà cơ sở được cấp phép phải bảo đảm thực hiện, bao gồm: vị trí, lưu lượng nước thải, thông số quan trắc chất lượng nước thải và chất lượng nước nguồn tiếp nhận; tần suất quan trắc. Trong trường hợp yêu cầu quan trắc nước thải tự động thì ghi rõ vị trí, tọa độ đặt thiết bị quan trắc và thông số quan trắc.
- Các nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức/cá nhân được cấp phép.
Các nội dung này có thể được điều chỉnh trong quá trình hoạt động của cơ sở sản xuất cho phù hợp với điều kiện phát triển. Giấy phép xả nước thải có giá trị suốt quá trình hoạt động, tuy nhiên có thể bị đình chỉ, bị thu hồi như những giấy phép khác nếu cơ sở sản xuất có những hành vi vi phạm.
II/. Thời hạn của giấy phép
Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước có thời hạn tối đa là mười (10) năm, tối thiểu là ba (03) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là hai (02) năm, tối đa là năm (05) năm.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại Khoản này thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn (điểm d khoản 1 Điều 21 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 quy định về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép tài nguyên nước).